Phủ Tây Hồ
Ngày đăng: 30/11/2020
Phủ Tây Hồ thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Cũng như nhiều di tích văn hóa – tín ngưỡng khác, việc xây dựng và sửa chữa đền phủ là một quá trình, nhiều khi kéo dài từ đời này sang đời khác. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật đã quá cố Chu Quang Trứ cho rằng đến trước năm 1943, phủ Tây Hồ còn là một điện Mẫu trong chùa, chỉ còn phần hậu cung.
Phủ Tây Hồ là một tổng thể di tích bao gồm nhiều bộ phận, sắp xếp theo thứ tự từ ngoài vào: cổng Phủ - nhà chờ - Phủ chính – nhà làm việc của Ban quản lí – Động Sơn Trang – nhà khách – điện Cô – điện Cậu.
Cổng phủ: được xây dựng theo kiểu tam quan bốn trụ, xong hai cửa bên cửa xây bịt kín, trang trí bằng long – hổ đắp nổi. Trên vòm cổng có biển khắc bốn chữ Hán: PHONG ĐÀI NGUYỆT CÁC (Lầu gió gác trăng). Hai đầu cột trụ chính có đắp nổi hình rồng, ngựa, trên củng là mái cổng được lợp ngói cuốn, bốn góc mái có đuôi guột, trên bờ nóc ở giữa có hình mặt trời, hai đầu có hai con kìm. Khoảng cách giữa hai cột trụ chính này được trang trí hàng chữ triện cách điệu uốn theo vòm cửa. Mặt sau của cổng ở đỉnh cột trụ chính và con theo thứ tự từ trái sang phải được đắp hình nổi: cúc, trúc, mai, tùng… Ở trên vòm cửa có đắp nổi hình rồng cuốn mây, bên trên cũng được trang trí hàng chữ triện cách điệu, bên dưới có hàng chữ “Tân Mùi Niên Trọng Đông” bằng chữ Hán (tháng 11/1991)
Mặt tiền của Phủ chính quay ra Hồ Tây, bên kia là làng Võng Thị. Trên cửa Tam quan hai tầng tám mái có đắp nổi bốn chữ: Tây Hồ Hiển Tích (dấu để Tây Hồ).
Dưới hàng chữ có chạm nổi hình long, ly, quy, phượng và “ngũ phúc hàm tiền”. Cánh cửa chính của tòa Tiền tế được chạm hình tứ linh, tứ quý.
Tòa Tiền tế nửa ngoài làm trần lửng, nửa trong dùng hệ thống cột, xà kiểu nhà chồng diêm, đẩy không gian nội thất vươn lên. Cung Đồng ở đây thờ Tam phủ Công đồng, Tứ phủ vạn linh, Hội đồng các quan. Tượng quan Hoàng Bẩy áo xanh và quan Hoàng Mười áo vàng đặt ở hai bên.
Tòa Trung tế liền không gian với tòa tiền tế, kết cấu theo kiểu vì chồng rường con nhị, cột gạch giả gỗ. Chính giữa gian, kế cận cung đồng là cung vua cha ngọc hoàng. Tượng vua cha đặt giữa, tượng Nam Tào, Bắc Đẩu ở hai bên.
Cung tam tòa thánh mẫu đặt sau, nhưng chỉ có ngai chứ không có tượng. Trước cung có bức hoành phi với dòng chữ “tây hồ phong nguyệt” (Trăng gió Tây Hồ).
Vị trí cao nhất giữa trong tòa hậu cung là tượng Mẫu Liễu Hạnh mặc áo đỏ. Hai bên, thấp hơn là tượng Chầu Quỳnh mặc áo xanh bên phải, Chầu Quế mặc áo trắng bên trái.
Ở cung mẫu có bức đại từ đề “Thiên tiên trắc giáng” và một bức hoành phi: “Mẫu nghi thiên hạ”. Hai bên hậu cung có đôi câu đối:
Tòa hậu cung có cấu trúc kiểu giá chiêng đơn giản, do thiếu ánh sáng và bị khép kín bởi các cửa ngăn đã tạo nên không gian “thánh địa linh thiêng” để thu hút mọi người hành hương đến phụng thờ, cầu mong Mẫu Liễu ban phúc che chở
Động Sơn Trang: vừa xây dựng mới bằng bê tông giả gỗ kiểu nhà chồng diêm hai tầng mái, trông bê thế và duyên dáng. Nội thất động chia làm hai tầng: Tầng dưới thờ Mẫu Đệ Nhị và 24 cô Sơn trang (12 cô bên trái, 12 cô bên phải) hai bên có Nhị vị Vương Bà; tầng trên thờ chính pháp minh vương Quan Thế Âm Bồ Tát, thấp hơn phía dưới thờ Mẫu Sòng, hai bên tả, hữu thờ Mẫu Phủ Chầu Bà.
Nhìn chung, di tích Phủ Tây Hồ được đặt trong không gian đẹp và linh thiêng, là một bộ phận của cảnh quan văn hóa vùng Tây Hồ. Giá như ở đây có thêm nhà tưởng niệm danh sĩ Phùng Khắc Khoan thì ấn tượng của khách hành hương về kỷ niệm đẹp giữa ông và Mẫu Liễu Hạnh sẽ sâu sắc hơn.