Kiến trúc đền Việt Nam qua tư liệu viện bảo tồn di tích (Tập 1)
Ngày đăng: 10/12/2020
Lật giở các cuốn sách “Kiến trúc đình làng Việt”, “Kiến trúc chùa Việt Nam” do Viện Bảo tồn di tích xuất bản, luôn bắt gặp dưới các bản vẽ và hình chụp dòng chữ Tư liệu năm … trong ngoặc đơn. Nghĩ đơn giản, đó là năm thực hiện hồ sơ. Lần này, giở ma-két cuốn “Kiến trúc đền Việt Nam”, ở những trang giới thiệu ngôi đền thờ Trần Nguyên Hãn ở xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, cũng bắt gặp dòng chữ “TL 2007”, song không thể nào lướt qua khi đọc: “Cuộc đại trùng tu trong các năm 2009 – 2013, … Toàn bộ các chi tiết cổ trên mái đền chính đã bị loại bỏ, hầu hết các cấu kiện kiến trúc bị thay thế. Những dấu vết kiến trúc cổ còn lại rất ít. Những thành phần kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thế kỉ 18, chỉ giữ lại một vài chiếc bẩy của đại bái cùng câu đầu hậu cung..”. Lòng thảng thốt, đau quặn! Những khúc gỗ, những bức chạm, trường tồn ba thế kỉ dòng, tan biến vào hư vô, lại chính là bởi một cuộc “đại trùng tu”, mà lẽ ra có bổn phận kéo dài tuổi thọ cho chúng. Và, hóa ra, những hình vẽ ghi và những bức ảnh kia, lại là hình ảnh – lưu hình in bóng, kịp thời và cuối chót, cái chết từng phần, của một di tích – sứ giả của quá khứ khuyết tàn. Y hệt, như những người thân của ta, lìa cõi đời, chỉ để lại những bức hình. Những tài sản – di sản vật chất từ tổ tiên và cha ông ta, mỏng manh làm sao, dễ suy suyển và dễ bị xóa vết làm sao. Không chỉ bởi tự nhiên, bởi thời gian, mà còn bởi những sự can thiệp, vô tình hay hữu ý, đi ngược bản chất tử tế và cao thượng của Bảo tồn. Bởi vậy, ngắm nhìn những bản vẽ ghi và những bức ảnh này, ta vừa nhận rõ hơn sự cần thiết và sự cấp thiết phải ghi chép những gì còn lại của di sản văn hóa của dân tộc, lại vừa không tài nào trốn tránh nổi dự cảm nuối tiếc và lo âu.
Đền, miếu, phủ, am … có lẽ chưa được nghiên cứu, chưa được tư liệu hóa nhiều, như đình và chùa. Những ngôi đền như đền Và ở Sơn Tây, đền An Dương Vương ở Cổ Loa, đền Lý Bát Đế ở Bắc Ninh, đền Chử Đồng Tử ở Hưng Yên, đền Cuông ở gần Vinh… sự uy nghi dành cho thần thánh, sự gần gũi với con người và sự nhuần nhị với xung quanh. Ở hầu như mọi làng Việt xưa cũ, luôn hiện hữu những ngôi miếu nho nhỏ, đứng sát kề cùng những nếp nhà dân quê – chốn linh thiêng dưới mái nhà đơn sơ … Giá mà ghi chép được những ngôi đền ngôi miếu to nhỏ ấy, để rồi ai đó ngắm nhìn, ngộ và cảm ngay cái hồn và cái sắc của nghệ thuật kiến trúc Việt.
Tư liệu hóa di sản vật chất không chỉ là một nghiệp vụ, mà còn là một công nghiệp đòi hỏi sự nhẫn nại và tấm lòng.
Hà Nội, tháng 10 năm 2019
GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính