Đình Nam Hương - Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ngày đăng: 08/01/2022
Nằm bên dải bờ phía Tây Hồ Gươm, với các phố Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Bảo Khánh, Hàng Hành, nơi đây đã từng là một trung tâm văn hóa của đất Thăng Long ngàn năm vạn vật. Với những đền đài cung điện nguy nga đã từng soi bóng nước Kiếm Hồ như tháp Báo Thiên, cung Khánh Thụy,… đình Nam Hương cũng là một trong những di tích vệ tinh của vùng “ven Hồ Gươm”. Là một trong những di tích có nhiều giá trị nên việc tu bổ, gìn giữ ngôi đình Nam Hương là một điều hết sức ý nghĩa đối với lịch sử và rất quan trọng đối với người dân.
Hình ảnh Đình Nam Hương được chụp năm 2017 (Ảnh: Trung Hưng)
THÔNG TIN VỀ DI TÍCH ĐÌNH NAM HƯƠNG
Từ xa xưa tới nay đình vẫn có một tên gọi duy nhất là Nam Hương đình (tức Đình Nam Hương). Đây là một trong hai ngôi đình của thôn Tự Tháp, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương xưa. Đình Nam Hương ở về phía Nam của thôn này và để phân biệt với ngôi đình Đông Hương cùng trong thôn.
Hình ảnh Đình Nam Hương chụp từ năm 2017 (Hình ảnh: Trung Hưng)
Đình Nam Hương hiện mang số nhà 79, phố Hàng Trống, Phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Phố Hàng Trống đi từ cuối phố Hàng Gai đến giữa phố Lê Thái Tổ. Đây là phần đất của nhiều thôn xóm cũ, đoạn giáp phố Hàng Gai là đất thôn Cổ Vũ, đoạn giữa là thôn Khánh Thụy Hữu, đoạn cuối có ngôi đình Nam Hương là đất của thôn Tự Giáp. Tất cả các thôn này đều thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương xư3
Bản đồ vị trí di tích Tượng đài Vua Lê và Đình Nam Hương năm 1948
Đến giữa thế kỉ 19, Tổng Tiền Túc được đổi là Tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội.
Đến di tích Nam Hương rất gần và có nhiều đường đi thuận tiện, dễ tìm, tiện cho mọi phương tiện. Đối diện với trung tâm bưu điện Bờ Hồ qua hồ Hoàn Kiếm là bờ phía Tây với các số Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Bảo Khánh, … ngôi đình nằm bên số lẻ của phố Hàng Trống gần với tòa báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Đảng và cũng từ đình nhìn sang phía bên số chẵn là trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm, xa chút nữa còn là Nhà Thờ Lớn ở phía trước mặt.
Hình ảnh đình Nam Hương được chụp năm 2020 (Hình ảnh: Trung Hưng)
KIẾN TRÚC ĐÌNH NAM HƯƠNG
Tác giả di tích Vũ Thế Khôi trong Hà Nội mới số 205 đã đề cập: “Đình Nam Hương tự nó chưa là một mẫu kiến trúc cổ đẹp song nếu gắn bó với các di tích lân cận và cảnh quan xung quanh cùng bề dày văn hóa của mảnh đất ven Hồ Gươm thì có thể tạo nên một danh thắng.”
Nằm kề phía Tây (sau lưng của đình) là các đền, chùa, miếu thờ, : chùa Bà Đá – nơi chôn tổ của Phật giáo, Nhà thờ lớn trung tâm của Thiên chúa giáo, chùa Lý Quốc Sư với tháp Bảo Thiên xưa.
Giáp phía Bắc lại một vùng di tích: Đông Hương đền, đình Phả Trúc Lâm, đền Hàng Hành, …
Đình Nam Hương nay là số nhà 79 Hàng Trống. Đình quay hướng Đông Nam. Đứng trên hành lang của Nam Hương đình phóng tầm mắt ra xa là hồ Hoàn Kiếm với Đài Nghiên Tháp Bút, cầu Thê Húc, Tháp Rùa…. Lui dần về phía trước ngôi đình là bia và nhà kỉ niệm Nguyễn Du, rồi tượng đài vua Lê.
Nằm lót giữa một vùng di tích, danh thắng lớn trung tâm Hà Nội, một vùng từng hội tụ cả chùm sao văn nhân rực rỡ … tất cả đã tôn lên vẻ đẹp và giá trị cho Nam Hương đình.
Đúng ra, đường vào ngôi đình phải được thông liền từ khu tượng đài vua Lê, khách có thể qua cổng tam quan theo cầu thang 2 bên lên đình dâng lễ, song thực tế đường chính đó đã không được mở lối. Giờ đây du khách tới thăm ngôi đình đó từ phía Hàng Trống, ở số nhà 75, qua trụ sở của ủy ban mặt trận tổ quốc phường, vào sân rồi theo cầu thang lên nơi thờ tự ở tầng 2.
Chắn phía trước ngôi đình là một bức bình phong lớn xây cuốn thư, đây là kiến trúc đặc trưng của thời Nguyễn. Bức bình phong chia làm 3 phần, phân cách bởi các trụ, trên các trụ đắp nổi các cụm vân mây.
Phân giữa các bình phong rộng, được làm cao hơn so với 2 bên. Chính giữa là một hình tròn phía trên đắp nổi hình con dơi, 4 góc là 4 hình vân xoắn chữ triện cân xứng. Hai bức bình phong nhỏ hai bên tạo tạo nên hai khung hình chữ nhật, các bờ nổi chém góc. Tất cả 3 phần của bình phong trên cùng là mái giả làm kiểu ngói ống bằng vôi vữa, phần mái ở chính giữa đắp trang trí vân triện, đầu đao là hệ thống vân xoắn kép thể hiện kiểu đầu rồng quay vào bờ nóc.
Chạy dọc theo bình phong là một khoảng tường lửng về hai phía, nối với hai cột trụ ở bên. Trụ được xây cao tới 4m, đỉnh các trụ được đắp chim phượng quay ra 4 phía tạo thành hình trái giành.
Nối giữa bức bình phong lớn trước sân với các trụ là một hệ thống tường lửng bao sát tới hai trụ rong liền với tường của đại đình mà hai trụ này cũng được xây khung gờ trên 3 mặt để lại các câu đối bằng vôi vữa, đỉnh trụ là tứ phượng liên kết hình lá lật mà nay đã bị sứt vỡ. Hai trụ rong kề sát 2 con rồng lớn được xây cao dần từ dưới đất lên chạy theo cầu thang của lối vào đại đình.
Đình Nam Hương xưa là một đình khá rộng rãi, có diện tích trên 300m2, các ngôi nhà chạy dài, mái thấp, lợi ngói ta, nay bị thu hẹp nhiều. Đình hiện nay với hai nếp nhà tạo thành hình chữ nhị, mái được lợp di. Trên bờ nóc đại đình trang trí đôi rồng chầu mặt trời, đắp nổi, các bở dải cũng có đầu rồng.
Nếp nhà phía trong (cung đình), bờ nóc được đắp đôi cá chép và bình rượu. Hình tượng này tượng trưng cho việc cầu nguồn nước của cư dân nông nghiệp. Với hình tượng cá, bình rượu còn mang ý nghĩa là mặt trăng (-) biểu hiện cho các nữ thần.
Hình ảnh đình Nam Hương được chụp năm 2017
Ngoài ý nghĩa đó, việc trang trí kiến trúc: cá, bình rượu còn là sự thể hiện tài năng của các văn nhân vùng Tự Tháp như “Cá vượt vũ môn” mà nay trong bài vị thờ đại đình vẫn còn ghi nội dung của ý nghĩa đó:
“Triều khoa quan bản giáp, gia tiên liệt vị tiền
(Tức thờ những vị nổi tiếng trong giáp)
Hành lang tòa đại đình (hiên) rộng 80cm được lót gạch vuông đỏ sẫm với 1 hàng lan can kiểu chấn song cao 80cm, hệ thống cửa ra vào được làm cánh hình chữ nhật, cửa giữa rộng 2m với 4 cánh, 2 cửa 2 bên cánh được làm rộng 80cm.
Ngay trên của khung cửa, chính giữa là bức đại tự lớn với 3 chữ “Thiên tế dực” và bên cạnh là một hàng chữ nhỏ ghi: Tự Đức giáp tí mạnh xuân (mùa xuân năm 1864)
Vào tiền đường là 1 nếp nhà 3 gian rộng, kiến trúc vì kèo cột trốn nên lòng nhà rất rộng.
Nền nhà đại đình được lát gạch vuông đỏ sẫm, gian giữa được bố trí rộng tới 3m50, 2 gian bên 2m50. Nếp nhà ngoài nối với hậu cung như một dạng chữ nhị, song phần hậu cung hẹp hơn 1 chút nên vẫn có thể coi tổng thể kiến trúc ở dạng chuôi vồ.
Tại gian giữa đại đình được xây một bệ cao hơn 20cm làm nơi hành lễ. Đây là bệ thờ Đức vua Lê. Trên một giá sơn son thếp vàng tọa tác 4 hình đầu rồng ôm lấy bát hương đồng. Toàn bộ giá đỡ là 4 con rồng vươn lên, giá có chân quỳ, được chạm nổi nghệ thuật thế kỉ 19.
Trên cao phía ngoài vào là 1 bức đại tự “Nam Hương đình”, tiếp đến là một hoành phi “Tham thiên hưng” . Gắn với kiến trúc ở tòa đại đình còn 1 bức cửa võng lớn kín toàn gian. Cửa võng với diềm trên cùng là rồng lá chầu vào mặt trời, 2 bên là phượng xòe cánh, tùng, hạc, cúc…. Diềm dưới cũng là rồng lá chầu, rồi đào lựu lồng trong cửa võng là bức hoành phi “Thánh cung vạn tuế”, các chữ được tạo nổi trong khung chữ nhật. Hai bên phía dưới là 2 long mã, dưới chân long mã đạp trên mây, sóng nước, hoa cỏ, …
Cửa võng được chạm nổi, chạm bong tinh tế của nghệ thuật thế kỉ 19.
Dưới cửa võng ,2 đôi câu đối son son thếp vàng với nội dung ca ngợi chính về ngôi đình.
Và lui vào bên trong của tòa đại đình, trước cửa hậu cung là 2 ngai thờ 2 quan hoàng như nhân dân vẫn thường gọi, song thực chất đây là 2 phỗng làm quan canh nô. Phỗng được tạo bằng gỗ cao chừng 1m, quỳ quặp 2 chân ra phía sau đóng khố trễ hẳn xuống rốn, cởi trần nhưng có yếm vòng quanh cổ. Hai phỗng vòng tay cung kính trước ngực, song 2 phỗng ở đây lại tạc bàn tay tráo đặt ngoài , khác với những phỗng đã có ở những ngôi đình khác. Phỗng kết tóc kiểu ốc theo người Chàm vào thế kỉ 17,18,19 người ta thường tạc nhiều phỗng thờ ở các đình đền bằng gỗ và đá để thờ.
Những tượng phỗng ở đây với lòng sùng kính của người đương thời đã được đặt trên những ngai bành (với dạng ý thờ), ngai bành còn chạm kiểu chân quỳ, hai phỗng và ý thờ mang nghệ thuật thế kỉ 19.
Hai bên của tòa đại đình là ban thờ với ngai và các đồ thờ các quan, một bên là ban thờ các vị tiên hiền trong giáp đều có các đại tự, câu đối ghi sự tích.
Hậu cung nối liền phía sau với một nếp nhà dạng như chiếc vồ, vừa như chữ nhị trong tổng thể. Kiến trúc với một gian lớn bao toàn bộ. Hậu cung đình còn được làm thêm ván trần , trên đó người ta quan niệm là sự hội tụ của nhân tài và thiên tài.
NHỮNG DI VẬT CỦA ĐÌNH NAM HƯƠNG
Trải qua nhiều năm tháng lịch sử, qua các cuộc cách mạng của dân tộc, ngôi đình đã bị chuyển dời, bị tàn phá của chiến tranh, song đến nay nơi đây vẫn còn bảo lưu được một khối lượng di vật khá phong phú và có giá trị nhiều mặt về lịch sử kiến trúc – nghệ thuật.
Hình ảnh
Qua các sắc phong ghi chép cụ thể cho chúng ta biết những nhân vật được thờ tại “Nam Hương đình” là những vị thần tiêu biểu trong “tứ trấn” của Thăng Long xưa, bên cạnh đó còn thờ thần là những nhân vật có công với thôn Trại và đất của Tự Tháp.
Đình Nam Hương thờ các vị thần: thần Bạch Mã(thần Long Đỗ), thần Cao Sơn, thần Linh Lang, công chúa Hà Duy.
GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT, KIẾN TRÚC CỦA ĐÌNH NAM HƯƠNG
Đình Nam Hương từ lâu đã trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Đó vừa là nơi hội họp của những công việc chung của làng trại, đồng thời đó cũng là nơi diễn ra các nghi thức tín ngưỡng thờ thành hoàng làng của người dân địa phương.
Đình Nam Hương có một bề dày lịch sử, trong đó còn lưu giữ 1 khối lượng di vật phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu và nhiều về số lượng (từ thần phả, sắc phong, câu đối, đại tự, chuông, ngai, bài vị,cửa võng, tượng pháp). Đó là những văn bản, tài liệu, hiện vật rất có giá trị góp phần tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, lịch sử làng xã Việt Nam, lịch sử thủ đô.
Các vị thần được thờ trong đình là những nhân vật cổ liên quan mật thiết tới lịch sử của kinh đô Thăng Long, đó là những vị thần bảo trợ của kinh thành song lại là những nhân vật có quan hệ mật thiết với địa phương và có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc.
Ngoài những vị thần nằm trong hệ thống những anh hùng văn hóa(anh hùng khai sáng) của dân tộc trong buổi đầu dựng nước, đình còn thờ những nhân vật có nhiều đóng góp cho nhân dân làng xã, những người đóng góp sức lực trực tiếp cho cuộc kháng chiến của dân tộc.
Đình lưu giữ 5 sắc phong thời Quang Trung, điều đó chứng tỏ sự trân trọng đối với các nhân vật có công trong lịch sử đất nước. Năm vị thần được thờ tại đình đều được phong chức “Đại Vương” . Quang Trung, vị vua rất trọng hiền tài, một vị vua có công lớn trong việc phục hưng văn hiến.
Nằm trong vùng tàn phá của thời kỳ vua Lê – chúa Trịnh, đình Nam Hương nằm trong quần thể di tích của khu tưởng niệm Lê Lợi, người anh hùng dân tộc của thế kỉ 15 – con người, sự nghiệp và tên tuổi ông gắn mãi với “Hồ trả gươm” trên đất Thăng Long, nên vẫn được bảo lưu, tôn tạo và gìn giữ.
Từ xa xưa, ngôi đình đã trở thành nơi tổ chức lễ hội tưởng niệm về những nhân vật lịch sử đó.
Hàng năm tại đình Nam Hương có việc tổ chức “Lễ sắp ấn” vào ngày 25 tháng Chạp.
Đây là lễ với một kiểu phong tước cho các quan , cho thần: bình công phong tước cứ 1 năm 1 lần làm lễ rước, trước là tưởng niệm, sau là hình thức tưởng vong, các bô lão trong làng cùng toàn dân thôn tụ hội, rước lễ.
Lễ hội của đình Nam Hương có những điểm khác nhau với nhiều ngôi đình làng ở “Lễ sắp ấn” này.
Tồn tại cho đến ngày nay, ngôi đình đã qua nhiều lần chuyển dời và trùng tu. Qua thời gian, công trình cũng có xuống cấp nên việc tu bổ là hoàn toàn cấp thiết.
HÌNH ẢNH BẢN VẼ TU BỔ ĐÌNH NAM HƯƠNG
HÌNH ẢNH NGÔI ĐÌNH NAM HƯƠNG TRONG QUÁ TRÌNH TU BỔ
HÌNH ẢNH NGOẠI THẤT CỦA ĐÌNH NAM HƯƠNG SAU KHI TU BỔ
HÌNH ẢNH NỘI THẤT CỦA ĐÌNH NAM HƯƠNG SAU KHI ĐƯỢC TU BỔ