Đình Làng Việt (châu thổ Bắc Bộ) - GS. Trần Lâm Biền

Ngày đăng: 17/11/2020

Tác giả: GS. Trần Lâm Biền

Kích thước: 16 x 24 cm

Loại bìa: Bìa mềm

Số trang: 179

Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hồng Đức

Mô tả sản phẩm:

Trích dẫn sách

"Một trong những công trình kiến trúc có niên đại sớm ở nước ta, mà chúng ta được biết là ngôi đình ở cạnh động Thiên Tôn, thuộc khu di tích Hoa Lư (Ninh Bình). Ngôi đình này không còn nữa, nhưng vẫn “sống” trong tiềm thức người dân ở địa phương hằng quan tâm tới lịch sử vùng đất của mình. Vẫn theo lời xưa truyền lại, thì đấy là nơi các sứ bộ, các châu mục, quan lại ngoài biên vẫn dừng chân chờ đợi trước khi vào trước khi vào bái yết vua. Nếu quả như thế, thì đó là dịch đình (đình trạm), chứ không phải là ngôi đình làng như người thời nay còn biết đến. Tất nhiên, chúng ta không loại trừ khả năng dịch đình là tiền thân của đình làng. Hiện nay, tại địa điểm của ngôi đình cổ ấy, chúng ta còn gặp nhiều viên gạch và một số mảnh gồm có hoa văn nói lên dấu tích của các thời Đinh, tiền Lê, Lý.

Tới thời Trần, ngôi đình vẫn chỉ mang tính chất của một điểm nghỉ chân. Bằng vào tài liệu viết, chúng ta biết rằng nó chưa phải là nơi thờ Thành hoàng của làng xã.

Điểm lại đôi nét còn biết được về diễn trình của loại kiến trúc được gọi là “đình”, từ buổi đầu của thời kỳ độc lập cho đến thời Lê sơ – Mạc và dừng lại trước triều Chính Hòa (cuối thế kỷ XVII), tức triều đại được đánh dấu bởi một bước phát triển rực rỡ của nghệ thuật xây dựng đình làng. Trong buổi khởi nguyên của nó, cái gọi là “đình” vốn là một nhà công cộng để nghỉ chân (đình trạm). Đến đầu triều Trần, một số nhà nghỉ chân ấy còn được dùng làm nơi thờ Phật, đồng thời vẫn giữ chức năng cũ. Có điều rằng, giữa hai chức năng cũ và mới ấy, cái nào trở thành chính, thì thực khó mà phỏng đoán. Thời Lê sơ, rồi đến thời Mạc, ắt hẳn nhiều ngôi đình vẫn là nhà nghỉ chân, nhưng nội dung một số lời văn bia còn cho thấy, có những ngôi đình đã trở thành công trình kiến trúc công cộng của làng xã. Chúng tôi thiết nghĩ một khi đình đã thuộc về làng xã, thì không có gì lạ, nếu có những vị thần của làng xã được đưa vào đình, chẳng khác gì Phật cũng từng bước vào đình. Dưới thời Trần đạo Phật còn đóng vai như một quốc giáo, đến thời Lê trung hung, thì sự có mặt của nhân vật gọi là “Thành hoàng” trong một số đình làng là điều chắc chắn (nội dung văn bia đình An Khê ở Bắc Giang).

Kể ra, nếu chỉ căn cứ vào nội dung các lời bia đã tóm tắt, thì có thể nghĩ rằng bấy giờ chức năng trạm nghỉ chân vẫn còn chiếm ưu thế so với chức năng thờ phụng. Dù sao, qua khảo sát trên thực địa, ta cũng thấy rằng, ngay từ thế kỷ XVI (thời nhà Mạc), một số ngôi đình lớn đã xuất hiện với tư cách là một kiến trúc công cộng của làng xã: các đình Thụy Phiêu sửa năm 1531 (Ba Vì, Hà Nội), Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội), Thanh Lũng (huyện Ba Vì, Hà Nội), Lỗ Hạnh (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), Thổ Hà (huyện Việt Yên, Bắc Giang), là những ví dụ nổi tiếng. Mấy ngôi đình vừa kể là những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh của làng xã. Đương nhiên, với thời gian chúng không còn giữ được nguyên mạng, nhưng phần còn lại cũng đủ để chúng ta nhìn lại bộ mặt thực của từng ngôi đình: một công trình kiến trúc dành cho việc thờ Thành hoàng làng. Vấn đề vẫn cần đặt ra là niên đại khai sinh của loại đình làng đấy (không phải là quán nghỉ, chủ yếu là nơi thờ Thành hoàng làng). Không một tài liệu thuộc bất cứ loại nào có thể minh chứng, nên chúng tôi chỉ nghiên cứu trên các hiện vật và di tích để đoán định.

Thành hoàng làng là vị thần bảo hộ làng, có thể nói là đấng thần linh tối thượng của làng. Chúng ta thường hiểu như vậy, song, vị ấy ở đâu ra? Theo nguồn gốc Trung Hoa, khái niệm “Thành hoàng” từng được nhắc đến: Thần Thành Hoàng của Trung Hoa chỉ mới xuất hiện vào đời nhà Chu, cùng một lượt với những thành quách của các lãnh chúa, và hoàng là cái hào bao quanh bức tường. Đó là thần của thành trì và thành phố.

Thần của ta là thần làng xóm, chứ không phải là thần của thành phố. Nông thôn ở Trung Hoa có thần làng không? Có, nhưng lại khác hẳn thần làng của ta. Thần của ta là nhân vật địa phương, còn thần các làng Trung Hoa là thần đất đai. Ta có cất nhà, họ thì lộ thiên. Thần của ta là của riêng của dân mỗi làng. Thần của Trung Hoa là của riêng lãnh chúa mà nhiều làng phải cùng thờ với lãnh chúa.

Theo đó, tác giả Bình Nguyên Lộc nói rằng ở nước ta thờ Thành hoàng là sai. Nhưng dù sai hay đúng thì vẫn hiện diện một thực tế lịch sử: Khái niệm “Thành hoàng” gốc Trung Hoa đã “đổ bộ” vào nông thôn nước ta. Vấn đề là từ bao giờ?Chưa có bằng cứ gì cho phép tin rằng vị thần mang tên gọi Trung Hoa ấy đã “có mặt” ở nông thôn nước ta hồi thời Lý và thời Trần. Thời Lê sơ, Nho giáo phát triển mạnh: trên đấu trường tranh chấp ý thức hệ chính làm nền cho một nhà nước quân chủ mà tính chất trung ương tập quyền ngày càng được củng cố. Đạo giáo và Phật giáo bị đẩy lùi một bước. Khác với nhà Lý, chính quyền Lê sơ, sau khi lãnh đạo nhân dân đuổi giặc Minh, đã nhìn Trung Hoa như một mẫu mực cho việc tổ chức xã hội về mọi mặt. Thế là nhiều biểu hiện văn hóa – nghệ thuật cung đình của nhà Minh được đem áp dụng vào nước ta. Và, tất nhiên nghệ thuật – văn hóa dân tộc có bị mờ đi, phải chăng đấy cũng là một thời kỳ để cho khái niệm “Thành hoàng” được truyền bá vào nông thôn nước ta.

Có thể thấy rõ là trong xã hội thời Lê sơ có nhiều biến đổi lớn so với các thời trước, đặc biệt là, triều đình không còn để cho nông thôn tự trị theo lối cũ, không chỉ bóc lột nông dân thông qua “chủ làng” nữa, mà xã hội nông thôn được tổ chức lại, gắn bó với triều đình hơn về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa. Phải chăng, tình hình mới ấy đã tạo nên điều kiện cho triều đình đưa “Thành hoàng làng” vào làng xã, để qua đó mà cung cấp cho người dân một ông vua tinh thần? Nếu quả thế, không có gì lạ nếu Thành hoàng được cấy vào ngôi đình, một kiến trúc tuy vốn phi tôn giáo, nhưng lại đã có tiền lệ tiếp nhận tượng Phật, theo lệnh của vua Trần.

Rồi dưới cái ô bảo trợ của triều đình, xu thế mới cứ thế mà mạnh lên, lan rộng. Ngay từ thế kỷ XVI, sự hiện diện của triều đình trong ngôi đình làng đã quá rõ ràng. Tại đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang) một trong những ngôi đình cổ nhất mà phần cơ bản của kiến trúc còn tồn tại đến ngày nay, chúng tôi đã đọc được trên một bức phù điêu, bốn chữ: “Hoàng đế vạn tuế” do hai con rồng cuộn thân vào nhau nâng lên. Từ đó về sau, trong số các hoành phi của từng ngôi đình làng, thường thì thế nào cũng có một bức hoành phi mang mấy chữ “Thánh cung vạn tuế”, hay “Thánh thọ vô cương”. Toàn là những công thức chúc tụng vua và chính vì thế mà ta có quyền nghĩ rằng, ngay từ những đoạn đường đầu của nó, đình làng dù là nơi thờ Thành hoàng của làng xã, đồng thời còn nhằm mục đích đề cao chính thể quân chủ, và nhân vật tiêu biểu của chính thể ấy là ông vua.

Tất nhiên, đình, với tư cách là nơi thờ Thành hoàng làng của làng xã, không chỉ ra đời vì triều đình và chính thể quân chủ. Xã hội nông thôn càng phân hóa, tầng lớp chủ nhân mới của nông thôn càng được củng cố. Trong một nông thôn ngày càng phát triển nhưng thiếu một nền kinh tế hàng hóa, tầng lớp chủ nhân mới nói trên chỉ có thể tự khẳng định chủ yếu trong phạm vi làng xã. Và đình làng, một khi đã trở thành trung tâm tinh thần của làng xã, với việc thờ Thành hoàng do nhà vua phong, có thể đóng một vai trò tích cực trong quá trình tự khẳng định nói trên. Cho nên, bên cạnh các hình thức đề cao vua và chính thể quân chuyên chế, đình còn khả năng thu hút các sinh hoạt văn hóa và tinh thần của làng xã. Ảnh hưởng của ý thức hệ dội từ triều đình xuống chủ yếu được biểu hiện tại đình, qua tế lễ. Hội đình còn bao gồm biết bao sinh hoạt văn hóa dân gian khác nữa, với các hèm và trò chơi, kể cả diễn xướng.

Khi trao đổi ngoài lề với nhau, cũng có người cho rằng, Thành hoàng là biến tướng của một vị thần nào đó, chẳng hạn thần đất của xóm làng thời cổ. Chúng ta không đủ cứ liệu để tán thành hay bác bỏ ý kiến này. Dù sao, đối với nhiều người, Thành hoàng là vị thần được du nhập vào làng xã Việt theo yêu cầu của điều kiện lịch sử thời Lê sơ và thời Mạc. Không rõ hồi bấy giờ từng vị Thành hoàng làng mang diện mạo cụ thể ra sao, chỉ biết rằng, bước qua thời Lê trung hung (thế kỉ XVII), nếu căn cứ vào một số sắc phong và thần phả còn sót lại đến nay (chủ yếu do Nguyễn Bính ngồi tại Bộ Lễ thảo ra), thì nhân vật đang được bàn đã hoàn toàn mang tính bản địa. Nhiều khi, Thành hoàng được thờ tại một ngôi đình không chỉ có một vị, mà tới năm sáu vị thâm chí nhiều hơn nữa. Thành hoàng có thể là danh nhân lịch sử (Lê Phụng Hiểu, Lý Thánh Tông) có thể là sơn thần (Tản Viên), là hoàng hậu cùng công chúa (như ở đình Trà Cổ), chẳng những thế còn có thể là dâm thần, là trẻ con, là ăn mày chết vào giờ thiêng. Có trường hợp làng lập đình, nhưng vì làng không có sẵn Thành hoàng, biết làng khác có vị thành hoàng thiêng, bèn xin rước bát nhang về thờ. Thế là có vị Thành hoàng kiêm nhiệm hai đại phận. Điều đó khiến chúng ta ngỡ rằng, vì bản thân khái niệm “Thành hoàng” được du nhập từ ngoài, cho nên Thành hoàng cụ thể của các làng xã có xuất xứ và sự tích khác nhau. Định cho mọi Thành hoàng ở ta một nguồn gốc lịch sử chung, e rằng không phù hợp với thực tế lịch sử.

Thế là Thành hoàng trở thành ông vua tinh thần của làng xã, chúng tôi muốn nói rằng, việc thờ phụng Thành hoàng vô hình chung gắn liền với việc sùng bái Hoàng đế, và qua Hoàng đế mà sùng bái triều đình, vì đây là một hình thức sinh hoạt triều đình thu nhỏ lại. Có thể nói thế, vì sự có mặt của vị thần này và ngôi đình, nơi thờ vị thần ấy, ở giữa lòng làng xã làm cho người dân quê quen với cái trật tự của chế độ vua quan đương thời và góp phần dựng một xã hội ổn định trong hệ ý thức của trật tự đó.

Trên thực tế, những ngôi đình sớm nhất mà hiện nay ta còn biết được, mới ra đời trong thời Mạc (thế kỷ XVI), và tầm sắc phong sớm nhất chính là thuộc về thời đó: tấm sắc phong cho Thành hoàng đình Tử Dương (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vào năm 1574 (Sùng Khang 9). Thực ra, theo ước đoán của chúng tôi thì đình thờ Thành hoàng phải ra đời sớm hơn, vào thời Lê sơ. Cứ liệu còn quá ít để khẳng định, nhưng cũng phần nào được củng cố bởi bài ký của Bùi Xương Trạch viết vào năm 1493 về đình Quảng Văn (Hà Nội). Bài văn ca tụng triều đình, chủ yếu đề cao nhà vua, đồng thời nói lên ý nghĩa thực tiễn của ngôi đình trong việc công bố chính lệnh của nhà nước đương thời. Và, về mặt nào đó, cũng phản ánh được việc sáng tạo ra một kiến trúc mới. Tạm có thể cho rằng, đây là tiền đề của ngôi đình làng về sau. Tất nhiên, còn phải chờ lâu nữa, qua thời Mạc, sang thời Lê trung hung, đặc biệt với Nguyễn Bính, và những quy định về cách thức thờ phụng Thành hoàng, mà ông là một trong những tay thi hành đắc lực, thì vị thần này và ngôi đình của làng xã mới gắn bó với nhau một cách mật thiết.

Có thể nói thời Mạc là thời “bùng nổ” của các công trình kiến trúc nặng chất mỹ thuật, chủ yếu là kiến trúc ít nhiều có gắn với tôn giáo. Trong xu thế chung ấy, kiến trúc đình cũng phát triển. Chẳng những thế, những ngôi đình ra đời thời ấy, mà vẫn tồn tại đến nay, còn phô bày chất dân gian cao nữa. Xét trên bối cảnh chung đương thời, đình vẫn chưa chiếm được vị trí độc tôn. Cuối thế kỷ XVII đáng được xem là một giai đoạn bản lề, bia ký đương thời xác nhận tư cách thắng thế của ngôi đình trong làng xã. Nhiều đình ra đời có sự đóng góp của dân đinh cả làng. Đình thực sự trở thành công trình của tập thể, và về mặt nào đó, có gắn với chế độ ruộng công, trong nhiều trường hợp, khi làng xã quyết dựng đình, thì tất cả dân đinh, nghĩa là mọi người được chia ruộng công, đều có nghĩa vụ phải đóng góp.

Sang thời Lê mạt (thế kỷ XVIII), việc xây dựng đình làng giảm sút hẳn. Xét về mặt hoàn cảnh xã hội, đây là thời kỳ mà nạn kiêm tính ruộng đất ở châu thổ Bắc Bộ phát triển mạnh, hàng vạn nông dân “bị đuổi” khỏi làng, đi tha phương cầu thực. Còn riêng về mặt kiến trúc, thì hàng loạt lăng quận công ra đời, đây là bằng chứng không thể chối cãi được về sự phát triển của kinh tế tư nhân. Trong những điều kiện ấy, kinh tế tập thể của cộng đồng làng xã tất giảm sút. Chúng ta có thể tin rằng, đấy là lý do khiến cho đình làng không có điều kiện ấy, kinh tế tập thể của cộng đồng làng xã tất giảm sút. Chúng ta có thể tin rằng, đấy là lý do khiến cho đình làng không có điều kiện để tiếp tục phát triển mạnh. Nói như vậy, không có nghĩa là không đâu xây đình nữa, ta vẫn thấy mọc lên ngôi đình Đình Bảng (1736), và một số ngôi đình khác. Tuy nhiên, sự xuất hiện những ngôi đình trong thời gian này đã gắn liền với sự đỡ đầu của một hay nhiều cá nhân giàu có, những người làm việc “công đức” để sau này được phụ thờ ở đình, và trước mắt, để tìm vinh dự ở làng xã. Tất nhiên, tính chất dân dã trong trang trí đình đã giảm sút nhiều. Trong khi đó, ở miền Trung, trên đất Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay, điều kiện lịch sử lại cho phép ruộng công của làng xã được duy trì ở một mức độ khá hơn nhiều: phải chăng, đấy là điều kiện khiến cho kiến trúc đình làng vẫn phát triển một cách tương đối bình thường, và cá biểu hiện dân gian, dân dã trong nghệ thuật trang trí không giảm sút một cách đột ngột như trên đất Bắc.

Cuối thế kỉ XVIII, chiến thắng của Tây Sơn tạo ra được một thời ổn định ngắn ngủi, và vì vậy có lẽ chưa đủ thời gian cho làng xã phục hồi, cho nên chúng ta hiếm gặp ngôi đình được dựng lên lúc bấy giờ. Trong một số trường hợp, người ta chỉ tu sửa, hoặc dựng thêm nhà tiền tế, hay hậu cung, thế thôi. Đó là trường hợp, của đình Hồi Quan (Bắc Ninh), nhà hậu cung đình Phong Cốc (đảo Hà Nam, Quảng Ninh).

Triều Nguyễn (thế kỉ XIX), dù cho chính sách của triều đại này là gì, thì, sau quá nhiều năm chiến tranh, việc nước nhà thống nhất cũng tạo điều kiện cho làng xã trên đất Bắc ổn định trở lại, ít nhất cũng trong một thời gian nào đó, xóm thôn không còn quá tiêu điều như trong nửa đầu thế kỉ XVIII nữa. Dòng mỹ thuật truyền thống có thời cơ để phục hồi. Cho nên, dưới thời Gia Long, nhiều đình lớn được dựng, đặc biệt đình An Đông (Quảng Ninh), với những cột cái lớn chưa từng thấy (đường kính chân cột những  105cm). Rồi thì đình Tam Tảo (Từ Sơn, Bắc Ninh). Chùa cũng vậy, chẳng hạn như chùa Đức La (Yên Dũng, Bắc Giang) được dựng lại khá to lớn.

Buổi đầu ấy qua đi nhanh chóng, rồi nhà Nguyễn cũng như nhà Lê sơ, đề cao Nho giáo, cóp nhặt và truyền bá nghệ thuật đương thời của Trung Hoa, ý thức có hệ thống ấy đã góp phần xác lập bộ máy vua quan chuyên chế, mà tính chất trung ương tập quyền được củng cố thêm rất nhiều, so với các triều đại trước , không khỏi ảnh hưởng đến dòng mỹ thuật bắt nguồn từ truyền thống lâu đời của dân tộc. Phải chăng, đấy cũng là một trong nhiều lý do, nếu không phải là lý do chính, khiến cho, dưới thời Minh Mệnh, triều vua có vẻ thịnh trị nhất trong suốt lịch sử của nhà Nguyễn, việc xây cất các công trình kiến trúc công cộng ở làng xã chẳng đáng là bao: về mặt này, ta chỉ gặp bia ký ở các kiến trúc do triều đình lệnh cho dựng hoặc kiến trúc cphuj ghép thêm vào các kiến trúc cũ. Trong khi đó kiến trúc cung đình ở Huế hút nhiều cố gắng cũng như của cải Nhà nước, và, tất nhiên nhiều sức lao động của một bộ phận nhân dân. Từ cuối đời Minh Mệnh về sau, đình được dựng nhiều hơn ở miền xuôi, vôi và gạch được sử dụng, còn ở miền núi, thì gỗ vẫn là nguyên liệu chính. Kiến trúc đình thâm nhập cả vào những vùng tương đối hẻo lánh của miền ngược, hàng loạt đình được trải ra suốt từ Lạng Sơn qua Bắc Sơn về Thái Nguyên; đình Long Đống; đình Hữu Vĩnh, đình Nông Lục, đình Hưng Vũ, đình Dục Lắc, đình Quỳnh Sơn…."



Bình luận