Đền Thánh Nguyễn
Ngày đăng: 30/11/2020
Đền Thánh Nguyễn xã Gia Thắng – Gia Tiến, huyện Gia Viễn thường gọi là đền Thánh Nguyễn. Trước đây là chùa Viên Quang (Viên Quang tự). Di tích thuộc 2 xã Gia Tiến và Gia Thắng huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Vào triều Lý gia đình ông Nguyễn Sùng ở thôn Quốc Thanh xứ Bền Phương (nay là thôn Vân La, xã Gia Thắng) nhà nghèo nhưng luôn làm điều thiện. Ông bà đã sinh được một con trai, đặt tên là Nguyễn Chí Thành. Lớn lên, sau khi cha mẹ qua đời và làm tròn việc hiếu, Nguyễn Chí Thành đã đi tìm thày học đạo. Ông cùng Từ đạo Hạnh ở phủ Sơn Tây kết nghĩa anh em. Học song Đạo Hạnh về Sài Sơn, Sơn Tây tu hành còn Chí Thành đổi hiệu là Minh Không về dựng chùa Viên Quang tại quê nhà. Ông còn lập chùa ở quê mẹ tại Phả Lại, Hải Dương, về Giao Thuỷ dựng chùa Keo. Nhiều ngọc phả, văn bia còn nói việc Nguyễn Minh Không đi quyên góp đồng đúc chuông, có những quả chuông lớn thông thuỷ tới 20 thước, đánh lên làm chấn động cả nước Tống.
Ông còn là thày thuốc nổi tiếng, thư tịch đã từng ca ngợi công lao chữa bệnh hoá hổ cho vua Lý Thần Tông của ông. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi, nhà sư Minh Không chữa khỏi…”
Khi ông mất, vua nhà Lý đã phong cho Minh Không là Quốc Pháp thiền sư. Đền Thánh Nguyễn Minh Không còn năm gian phía tây thờ Phật. Đáng lý ra xưa kia đây là chùa Viên Quanh thờ Phật, nhưng vì địa phương trước đây cho là nền nhà cũ của Minh Không nên đã lập chùa ở nơi khác mà dành riêng nơi nhà cũ để thờ ông. Mãi sau do việc rút gọn nơi thờ tự nên nhân dân mới chuyển chùa về dãy nhà Trù phía tây toà chính tẩm để thờ Phật.
Đền Thánh Nguyễn còn thờ Tô Hiến Thành, một đại thần, có công bình Chiêm, phò ấu chúa là Lý Cao Tông (1175-1210). Sở dĩ nơi đây thờ ông là do bố đẻ ông là Tô Trung Công làm quan lệnh doãn phủ Trường Yên đã cùng vợ về đây cầu tự và sau sinh ra ông.
Ngoài ra ở hai gian xép của nhà Tiền đường còn thờ thêm Đà Quận công và Phù Dung công chúa là những thành hoàng của các thôn Đào Lâm và Hán Bắc dồn về đây.
Giá trị Kiến trúc - Nghệ thuật
Đền Thánh Nguyễn nằm trên địa bàn “Tượng sơn chung dục, ngưng thuỷ trường thanh” (tận cùng của núi voi, trước mặt có giang hồi cửu khúc). Phía nam và phía tây nam có dãy núi đá uốn lượn tục gọi núi rồng và núi rắn, nhiều núi hình thù tựa con lợn, con rùa, cổ giai, con phượng… Ngọn núi Đính đứng chơ vơ đón gió thật đúng với bài thơ cảm hoài của nhà thờ Nguyễn Minh Không: “Trạch đắc Long xà địa khả cư…”
Bên con sông nhỏ uốn lượn, còn có sông Hoàng Long xanh trong mềm mại chạy sát phía tây nam làm tăng thêm cảnh hữu tình, sơn thuỷ của mảnh đất làng Điềm, mảnh đất có vương, lại có thánh.
Đền làm theo hướng nam (hơi ghé tây), trên mảnh đất hình chữ nhật, chiều dài 100m, rộng trên 40m.
Tổng thể công trình được kiến tạo khá quy mô.
Hệ thống tường bao, bình phong chính diện khá trang trọng, 3 hệ thống tường ngang, cổng phụ cân đối, để ngăn phạm vi sân, hệ thống tôn thờ, gác chuông, sân hậu, vừa nổi lên sự xắp xếp trùng trùng, lớp lớp tạo thành chiều sâu, sự tôn nghiêm, hài hoà của di tích. Sau cùng là hàng tường bao dài hơn 40m, nối liền với hai hệ tường bao chạy dài, dọc 2 phía đông tây khép kín di tích. Tường bao vững chắc ở chân đế, làm theo kiểu thượng thu hạ thách, có quang tai lại rất vừa phải, không ảnh hưởng che chắn đến tổng thể kiến trúc, cảnh quan của công trình.
Hệ thống sân gạch trước cửa tam quan, trước sân, tiền đường, sân hai phía đông tây, sân hậu với hai hàng bia đá, trước gác chuông, cũng như hệ thống đường vào 2 bên tả hữu, đường vòng ghép đá vào hai mặt đông tây của gác chuông, tất cả đều được xắp xếp ăn ý, quy củ kể cả kích thước cũng như độ thấp, cao để đạt ý định phân cách từng vị trí trang trọng.
Hệ thống công trình kiến trúc phụ 2 phía đông - tây có tới 5 toà, với tổng số gian là 31 gian, gồm 3 dãy hành lang, 2 nhà trù, 1 gian thờ quan giám cũng được sắp xếp hai toà, kích cỡ vừa phải không để ảnh hưởng đến hệ thống công trình chính quan của đền thờ, cũng nói lên tài bố cục của cổ nhân trên quê hương (thời kỳ kháng chiến chống Pháp bị giặc đốt mất 13 gian vũ, do đó hiện nay chỉ còn 18 gian).
Các công trình chính của đền thờ Nguyễn Minh Không và gác chuông ngày nay còn được bảo tồn nghiêm chỉnh. Hệ thống công trình được bố cục rất đẹp ở hình khối, cũng như không gian, 6 toà kiến trúc này có tới 23 gian, được xếp đặt trên một trục dọc bắc nam. Đi từ ngoài vào trong ta thấy: Tam quan xưa là nhà cũ của Nguyễn Minh Không, sau dựng chùa Viên Quang, nơi cây đèn đá là kỷ niệm chỗ ngồi đọc sách của ông. Văn bia “Bi ký trùng tu quốc sư cố trạch” niên đại Bảo Đại 14 (1939) nói rõ: Bùi Văn Khuê tức Mỹ Quận công, dưới thời Lê Chân Tông (16430), vì cảm ân đức “âm phù’ của thánh Nguyễn Minh Không, nên đã về đây tu tạo lớn, ông đã rời miếu cũ vào phía sau cố trạch và biến nơi cố trạch thành Tam quan.
4 toà thờ thánh làm theo kiểu tiền nhất, hậu đinh, là công trình chính rất giá trị về cả hai mặt kiến trúc và điêu khắc. Theo văn bía còn lại ở đền thì công trình này được trùng tu lớn vào thế kỷ 17 đến Bảo Đại thứ 3 (1928) đã lại tu sửa tiếp tục, nhưng nhìn chung đường nét kiến trúc nghệ thuật chạm khắc vẫn được bảo tồn như cũ, chỉ thay đổi chút ít. Sau đây là chi tiết:
Chính tẩm 5 gian làm theo kiểu chồng rường hồi, có mái đại, trụ non, xà đuôi chuột, bộ hoành tròn có khá đầy đủ, lại có cả lá chắn đầu hoành.
Xung quanh là hệ thống đấu lụa ván dong khá hài hoà, đẹp mắt. Mái ngói có độ dốc dễ thoát nước, bờ nóc, con kìm, đầu nóc, bờ dải kiến tạo công phu, mềm mại, các hoạ tiết gờ chỉ, hoa chanh hoa lá cách điệu thể hiện tài nghệ của các nghệ nhân nề và ngoã khá chắc tay.
Hồi phía tây như khoe tài nghệ điệu khắc tứ linh với nhiều đề tài phong phú như long chầu, long ly vui đùa… thì hồi phía đông, nổi bật lên một đề tài chạm khắc dân gian độc đáo. Mảng chạm được đặt ở vị trí trung tâm hồi nhà, phía trên xà hạ được mái đại, duyên dáng, chống đỡ nắng mưa. Trên ván bưng suốt dọc xà hạ là cảnh người cỡi voi, đôi nam nữ tư tình, cảnh 4 cô gái tắm tiên trên hồ sen, cảnh người lễ bề trên đang ngồi trên sập, có người hầu đứng bên. Phải chăng đây là bức chạm phản ảnh ước vọng của con người bình dân, rất chân tình mộc mạc lại thể hiện cả sức đấu tranh.
Bàn thờ Nguyễn Minh Không gồm tượng thánh tổ, bài vị thờ được đặt trên sàn cầu, chạy suốt đến hết toà đệ nhị cũng là một dạng cấu trúc cổ đáng quan tâm.
* Đệ nhị cung và Bái đường
Là hai công trình tiếp liền với tòa Chính cung để hợp thành lối kiến trúc chữ công, một lối kiến trúc giao mái, sao cho khớp cả về độ cao, độ vòng, độ chếch lại mềm mại, hài hoà trong toàn hệ kiến trúc.
Phần nề ngoài ở đây vẫn khá đạt yêu cầu về cách lợp, cách làm bờ, làm hệ thống xối máng. Bờ nóc với cách dùng hoạ tiết sen hoa chạy dọc, vừa đẹp vừa thoát gió lại bớt được trọng lượng để trên nóc.
Đấu cái khá ăn ý với kìm nóc và hệ thống bờ dải thoáng nhẹ, gờ chỉ, sen hoa trang trí nhịp nhàng với ván che đầu hoành tạo cho phần mái vừa chắc khoẻ, vừa đẹp mắt.
Vẫn phải nhắc tới hàng đấu lụa chạy quanh. Tuy đã đã có sự cân đối, thay tròn bằng vuông, nhưng vẫn giữ được sự phong phú, sự vững vàng, đẹp mắt, đậm phong cách kiến trúc của dân tộc.
Các cấu kiện bẩy tiền, bẩy hậu, tàu mái, riềm mái, bò cốn con rường, những hàng cột cái, cột quân, những đầu mái hình tròn… hoặc còn nguyên từ thế kỷ 17, hoặc qua tu sửa nhưng vẫn được bảo tồn phong cách.
Đáng chú ý là bức thuận giữa đệ nhị cung và Chính tẩm. Các cặp xà dọc, xà ngang, xà nách được bám chắc vào cột, tất nhiên là cốt mộng bên trong thật chắc khoẻ, những con mộng và xà đóng thật chính xác, nên đầu kín khít, phân bố vị trí không để ảnh hưởng đến chất lượng giá trị chạm khắc ở đây. Những hoạ tiết hoa lá, long chầu, nghê chầu là đường nét của thế kỷ 17 khá quyến rũ. Hình như nghệ nhân dồn tài nghệ chạm khắc vào vị trí bức thuận này, nên từ xà ngang, xà nách, từ ván bưng, con rường, bò cốn đều được ghi hình long ly vui đùa, long chầu chữ phúc và mây tán thời Lê khá đẹp.
Mặt tiền của Bái đường trên xà dọc, ván bưng là những đề tài lưỡng long chầu nguyệt, chầu lá đề, những con ly, con khỉ… chạm khắc phong dáng Hậu Lê thật phong phú, điêu luyện.
Cả năm gian Tiền đường đều có chạm khắc tứ linh, hoa lá cách điệu, 5 băng chạm khắc ở giữa hệ thống xà dọc của 5 gian gồm các đề tài điêu khắc công phu: Những cặp nghê chầu, long chầu, phượng chầu rất tự nhiên. Bên những hoạ tiết tứ linh, những lá cách điệu là những gờ chỉ soi đẹp mắt. Những trục buông, đố ngang, đố dọc chia khuông trang trí như những bức cửa võng ở đây rất hài hoà, phong phú mà không rối mắt. Hoạ tiết của thế kỷ 17, 18 được trân trọng bảo tồn, bên các hoạ tiết của thời Nguyễn cham khắc công phu. Đặc biệt nhất vẫn là 2 mảng chạm ở hai đầu hồi đông và tây. Tuy 2 hiệp thợ đua tài có khác nhau, nhưng nhìn chung đều rất phong phú. Mảng chạm chia làm 3 khuông rõ rệt, dưới là những cụm đấu, những hoa lá cách điệu đan xen phong phú, khuông giữa đơn giản hơn, trang trí như các đường riềm, có lẽ để thể hiệný làm cho khuông trên nổi bật. Cảnh vân hoa, mây toả trùng trùng, lớp lớp như nâng bổng hình tượng tiên bay khá đẹp, được gắn đặt ở phía trên.
Gác chuông
Gác chuông ở phía sau Chính tẩm đứng biệt lập nhưng thật ấm áp, chẳng hề cô đơn, rất ăn nhập với tổng thể công trình.
Gác chuông 8 mái theo kiểu chồng diêm. Tám mái cong cong của gác chuông ăn ý với 8 góc đao, con kìm công phu, mềm mại. Phối hợp với nghê làm bờ nóc, bờ chảy to, dày nhưng thoáng nhẹ. Hoạ tiết đan xen giữa phần trên và phần bờ, giữa đấu cái con kìm, lá lật cách điệu tạo thành con sô, kìm góc thật ăn ý, thật có duyên. Gác chuông 3 gian, đứng vững được là nhờ 4 hàng cột gồm 16 chiếc, 12 cột quân đường kính 40 phân, còn 4 cột cái vượt hẳn lên để đỡ tầng trên, thật vững vàng trong vai tứ trụ nên đường kính đều trên 60 phân và có đại trụ đã được thay trong đợt trùng tu năm 1903 (Thành Thái năm thú 5), hiện được khắc ghi ngày trên cột.
4 hàng cột cũng các cấu kiện xà thượng, xà hạ, xà nách, xà đùi, bẩy kẻ, câu đầu tạo thành bộ khung vững chắc, to lớn nhưng không thô thiển. Các hàng tàu chạy trên bẩy, giao tiếp ở góc đao khoá chặt các mái. Mô típ con song tiện, lá ngạch, ngưỡng được soi chạm công phu, ăn ý đã chạy diễu quanh gác chuông, ở cả 2 tầng như làm duyên thêm cho công trình.
Một kiểu trang trí độc đáo là những tay đua ở chân mái toà thượng, từng đôi, từng đôi đua nhau, vươn song song ra khỏi mái, như để che chở cho dãy hành lang con tiện thật kéo léo.
Giá trị chạm khắc ở đây cũng có nhiều đề tài lý thú: như long, ly vui đùa (ván bưng gian phía tây) cảnh lưỡng long chầu nguyệt, tiếp toà sen, cảnh mây hoá, mây tan, đường nét mềm mại ảnh rồng phượng múa, nghê chầu, rồng ấp ủ bầy nghê,trông thật tình cảm…
Nói đến gác chuông tất phải nói đến quả chuông. Tầng thượng gác chuông hiện treo một quả chuông lớn, cao tới 1,6m (cả bồ lao) đường kính 80 phân. Đây là quả chuông lớn do hai ông Nguyễn Duy Thế và Trần Trọng Ngân, là người của hai xã Điềm Xá và Điềm Giang hưng công đúc lại năm Minh Mệnh thứ 6 (1845), vì quả chuông cũ bị Tây Sơn lấy năm Đinh Mùi (1787), nhưng tên gọi của quả chuông là “Viên Quang tự chung” thì vẫn được lưu giữ.
Giá trị văn hóa
Xưa 6 năm một lần hội, trong hội có bơi chải (mỗi thuyền bơi có 7 người) rước thánh ra ngự xem bơi ở bìa Chợ thuộc Gia Thắng, múa rối, hát chèo, tế, lễ (10-8).
Các ngày hoá của Nguyễn Minh Không và Tô Hiến Thành đều có tế lễ như 10-8 và 6-2. Hàng năm vào các ngày 15-2: lễ kỳ phúc, lễ mừng xuân ngày 4-1; lễ mừng thọ Tô Hiến Thành và lễ mừng ngày sinh Thánh Nguyễn.
Khám thờ thiền sư Minh Không, vừa lớn vừa chạm khắc đẹp, công phu (để ở chính tẩm).
Một số hoa văn trong đền
Hình ảnh: Trung Hưng
Hình ảnh: Trung Hưng
Hình ảnh một số sắc phong của đền
Hình ảnh: Trung Hưng
Hình ảnh: Trung Hưng
Hình ảnh: Trung Hưng
Hình ảnh: Trung Hưng