Chùa Nhạn Tháp
Ngày đăng: 08/09/2020
Truyền thuyết kể rằng: trước đây ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng có một khu đất giống hình con chim nhạn, người dân nơi đây đã xây dựng đền chùa trên thế đất ấy. Từ đó làng có tên là làng Tháp Thượng, đền có tên là đền Tháp Thượng, chùa có tên là Nhạn Tháp (tên gọi chung là đền chùa Nhạn Tháp). Hiện nay, phía trước cụm di tích này còn giữ được hai cái giếng mà cổ xưa lưu truyền là mắt của con chim nhạn. Đền chùa Nhạn Tháp hiện nay thuộc thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội.
Cụm di tích đền Tháp Thượng và chùa Nhạn Tháp thuộc xã Song Phượng, vốn là nơi đất cổ. Qua nghiên cứu các thư tịch, tư liệu sử học thì dọc bờ sông Đáy huyện Đan Phượng có thể là một trong những phòng tuyến của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Riêng Huyện Đan Phượng, tính từ Bắc xuống Nam có các chốt của Vĩnh Hoa ở Trung Hà, Hải Diệu ở Ngõa Thượng, Lôi Trấn ở Tháp Miếu.
Để ngàn đời sau còn ghi lại những trang lịch sử vẻ vang của dân tộc ta đầu kỷ nguyên và để tưởng nhớ những anh hùng hào kiệt đã đóng góp nhiều chiến công cho đất nước, dân làng đã cùng nhau góp công, góp của xây dựng lên khu di tích đền – chùa Tháp Thượng để thờ tướng quân Lôi Chấn, người đã sinh ra ở đây và đã cùng với nghĩa quân Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán. Đồng thời đây cũng là nơi nhân dân địa phương thực hiện mọi nghi lễ của làng xã.
Về thần tích của vị thần hoàng Lôi Chấn, qua nghiên cứu các tư liệu thì: tiên tổ của tướng quân Lôi Chấn đại vương, người Tức Mặc, Thiên Trường, họ Cao, tên Cự, mẹ là bà Nguyễn Thị Phượng. Ông Cao Tự có tham gia làm quan ở vùng Đan Phượng, song hồi đó ông thấy Tô Định là người tham lam, bạo ngược vì vậy ông đã chống đối lại. Biết được, Tô Định khép ông vào tội chết. Vợ ông đem con về sống nhờ ở Tháp Thượng, suốt ngày gào khóc và thương xót ông. Một thời gian sau bà cũng mất theo. Họ hàng của Lôi Chấn thân thuộc xa gần chẳng còn ai, bốn phía không nơi nương tựa. Ông bèn bán hết gia tài để lo trọn việc hiếu. Năm đó Lôi Chấn mới khoảng 10 tuổi. Ông sống nhờ vào bà con xã Đan Phượng được vài năm thì vào học ở nhà tiên sinh họ Lý. Vừa làm, vừa học trong vòng 3 năm thì đều qua hết các môn kinh sử, văn học. Các bậc văn nhân, tài tử ai nấy đều khen: khó có ai hơn, ắt sẽ có tranh tiêu, đoạt gấm, là người con tốt trị gia, giúp đời, yên dân. Đối với bạn đồng học ông thường nói: “Các bậc anh hùng xưa, nay vô tận, một thời sinh ra, rồi một thời qua đi, cũng chẳng phải một nguồn tinh khí, một mạch anh hoa, tụ tán ở chỗ đó, sống chết đều như vậy, cũng chỉ là giấc mộng kê vàng mà thôi. Vả lại làm người nếu không có tài lỗi lạc như Y Doãn, Lã Vọng, không có trí dũng như Trương Lương, Hàn Tín, thì tuy có mặc quần áo mà chẳng khác cầm thú vậy”. Bạn bè nghe ông nói đều kính phục, khen ông là người kỳ tài.
Đến năm ông 21 tuổi, ông đã có võ nghệ cao cường, văn học tinh thông, ông giúp dân học hành, dạy dân cày cấy, chăm lo đời sống cho dân. Song mối thù của cha, không đội trời chung, bữa thường nếm mật, chí nối giáo gươm. Bấy giờ Bà Trưng là cháu ngoại của Hùng Vương, tên là Trắc cùng em là Trưng Nhị vì nợ nước, trả thù chồng đã ngầm nuôi dưỡng người ngựa, chiêu nạp anh tài, nhưng trong quân chưa mấy ai giỏi tài thao lược. Lôi Chấn nghe tin bèn lập binh sĩ trong huyện, được 500 người ra mắt Bà Trưng. Nữ tướng rất vui mừng vì thấy ông là người văn võ toàn tài, không chỉ riêng một môn nào, bèn bái tạ và phong làm tả giai đại tướng. Giao cho ông chỉ huy một mũi tiến công, kéo thẳng đến đồn Tô Định, trong một thời gian ngắn đã phá tan đồn, quan Tô Định thua to. Nghĩa quân đã thu phục được 65 thành ở Lĩnh ngoại về nước Nam ta. Trưng vương lên ngôi, ban chiếu cho ông hưởng lộc ở huyện Đan Phượng. Bái tạ Trưng vương, ông trở về Đan Phượng Hạ xã, là nơi ông sinh ra, lớn lên. Rồi ông cho quân sĩ dựng đồn doanh đóng quân ở đó.
Trưng nữ lên ngôi được ba năm thì quân Mã Viện nhà Hán sang xâm lược. Binh thư lại truyền khắp nơi tập họp quân sĩ đánh giặc. Song thế giặc rất mạnh vì vậy quân của Trưng nữ vương thất cơ. Từ đó ông chu du thiên hạ, ngắm cảnh núi sông, rồi đến một ngày ông hóa. Từ đó dân Đan Phượng Hạ đã viết thần hiệu, đón rước ngài về phụng thờ và tôn làm Thành hoàng làng.
Đầu năm 1945, cơ quan báo Cứu quốc đang ở núi Thày (Quốc Oai – Sơn Tây) thì bị lộ phải chuyển về Vạn Phúc (Hà Đông), lại có dấu hiệu bị lộ.
Theo nguồn tư liệu trong dân gian thì đền chùa Nhạn Tháp được xây dựng từ khá sớm, thời nào không rõ. Trải qua nhiều biến cố cuả lịch sử, cũng như mưa nắng của thời gian mà đền chùa đã vị hư hại nhiều, các cấu trúc cổ xưa không còn nguyên vẹn. Để gìn giữ và lưu truyền lại di sản quý báu của người xưa để lại, dân làng thôn Tháp Thượng , Song Phượng đã góp công góp của xây dựng lại ngôi đền như ngày nay.
Hiện nay đền còn lưu giữ được nhiều di vật quý như 20 đạo sắc phong, trong đó sắc sớm nhất là sắc thời lê (1787). Hệ thống bia đá trong đó bia sớm nhất là tấm bia bầu hậu thần được làm vào ngày lành tháng 3 năm Giáp Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê thứ 35 (1774) đã khơi gợi việc xác định niên đại của di tích đền chùa Nhạn Tháp có thể được xây dựng từ trước đó.
Đền Tháp Thượng được xây dựng liền với chùa Nhạn Tháp. Vị trí tọa lạc của đền hiện nay đã khác với trước đây. Nền của ngôi đền cũ được xây dựng một tòa nhà 5 gian rộng rãi để làm phòng truyền thống của xã.
Đền Tháp Thượng hiện nay được xây dựng trên một nền cao theo hình chuôi vồ. Nhà Tiền tế gồm 5 gian, tường hồi bít đốc, vì kèo được tạo theo lối chồng rường, hạ kẻ, bảy hiên. Các con kẻ tạo dáng cong lên thanh thoát nhẹ nhàng. Bốn vì kèo được đỡ bở 4 hàng cột chắc chắn. Ba gian giữa làm cửa bức bàn, hai bên xây tường có cửa sổ.
Hậu cung gồm 3 gian, nối liền với gian giữa tiền tế. Các bộ vì kèo gần giống với nhà tiền tế, riêng vì kèo sát cung cấm làm kiểu ván bưng. Phần cung cấp là khám thờ, làm bằng gỗ có kích thước 240 x 200cm. Bên trong khám thờ đặt 3 long ngai thờ 3 vị: đức Thánh Cả, đức Lôi Chấn và đức Bản Thổ. Phía trước ngai có các đồ tế khí như lư hương, hạc thờ, cây đèn.
Bên ngoài cung cấm đặt một sập chân quỳ dạ cá trang trí tứ linh, hoa lá, vân xoắn. Ở khu tiền tế đặt bộ kiệu bát cống, dùng để rước long ngai trong các dịp tế lễ. Gian giữa xây một bệ cao, có các đồ thờ như bát bửu, biển lọng,….
Chùa Nhạn Tháp và đền Tháp Thượng cùng quay theo hướng Tây hơi chếch Nam, nhìn ra sống Đáy (còn gọi là sông Hát và theo thư tịch Trung Quốc là sông Chu Diên). Trải qua năm tháng chiến tranh, chùa không còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Hiện nay, dấu tích cũ còn lại gồm: một bên của chân cột đồng trụ, tam quan phía ngoài được làm sát chân đê sông Đáy. Một cây đa cổ thụ khá lớn, tán lá xum xuê. Một cái giếng xây bằng gạch, với những bậc tam cấp thuôn dần xuống đáy.
Được tọa lạc phía bên trái của đình, trên một nền cao 0.60m. Chùa kết cấu theo kiểu chuôi vồ, gồm 5 gian tường hồi bít đốc. Hai bên tường hồi nối ra hiên chùa, phía dưới được gắn các tấm bia hậu.
Kết cấu bên trong của chùa làm các bộ vì kèo theo kiểu giá chiêng, kẻ hiên chủ yếu bào trơn đóng bén và bào trơn kẻ soi ở các cạnh (gian giữa). Hai gian hồi được làm theo kiểu chồng rường, bảy hiên. Trang trí cũng được tập trung trên các con rường, đề tài là vân xoắn đao mác, với những nhát đúc mạnh, chính xác đã tạo cho mảng trang trí vững chắc, khỏe khoắn.
Tòa thượng điện gồm ba gian. Kết cấu các vì kèo cũng giống như vì kèo tiền đường, chính vì vậy mà đã tạo cho khoảng không gian trong chùa rộng rãi, thoáng đãng.
Trong số các pho tượng của chùa, đáng quan tâm hơn cả là bộ Tam thế hay còn gọi là Tam thế thường trụ diệu pháp thân. Ba vị này tượng trưng cho pháp thân Phật tồn tại bất diệt trong ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và vị lai. Cả ba pho đều được làm to hơn người thật chút ít, tượng có nhục kháu lớn, nhất là hai pho hai bên và được tạo tác kỹ, với các tóc ốc tỉa đẹp, trán tượng vừa phải, mắt khép hờ nhìn xuống, mũi cân phân, miệng hơi mím, tai dày, giữa thót lại biểu hiện của sự sang quý. Cả ba pho tượng thế ngồi kiết già. Tượng mặc áo cà sa nhiều lớp, với các đường biên áo được lật đi lật lại tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển. Yếm được làm chảy thành hình vòng cung trước ngực, đây là chi tiết cho biết tượng được tạo tác ở thế kỷ XVIII. Cả ba pho đều được đặt trên đài sen với ba lớp cánh (pho giữa hai lớp), các cành sen thể hiện múp phồng, mũi cánh sen vênh hẳn ra.
Tại sân chùa còn có một gác chuông được làm theo kiểu chống xung quanh. Có 4 cột cái lớn bằng gỗ, đường kính từ 0.4 đến 0.45m, chân tảng bằng đá. Bốn góc có 8 cột quân, đỡ các góc mái. Gác chuông gồm hai tầng mái, góc mái cong, trên đường bờ dải tới góc mái được trang trí các hình rồng thân nhỏ uốn lượn, với kiểu dáng và cách trang trí như vậy đã tạo cho gác chuông trở nên nhẹ nhàng, bay bổng nhưng vẫn không kém phần uy nghiêm và có giá trị nghệ thuật. Phần trang trí phía trong của gác chuông chủ yếu tập trung ở bức cốn nách thể hiện các đề tài: đầu rồng, rồng có thân nhỏ, vảy cá chép, móng dạng móng chim ưng, bên cạnh đó là các chạm khắc về đài sen, vân xoắn thể hiện rồng, nghệ thuật thế kỷ XIX.
Đền Tháp Thượng và chùa Nhạn Tháp tồn tại cho đến ngày nay đã mang trên mình một chiều dày lịch sử nhất định. Các di vật như: bia, sắc phong, cùng một số hiện vật khác đã khẳng định được độ tuổi của cụm di tích là trên 200 năm. Trải qua các triều đại hưng thịnh, suy vong đã phần nào ảnh hưởng tới cụm di tích.
Giá trị của cụm di tích không chỉ dừng lại ở ý nghĩa lịch sử mà còn chứa đựng giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Tọa lạc trên một địa thế rộng rãi, không gian thoáng đãng,với các công trình kiến trúc cổ cùng các góc đao cong vút, bay bổng, rồi các tầng mái, cây đa, giếng nước, sân đền,… hòa trộn với nhau, bên những công trình kiến trúc là phòng truyền thống lịch sử cách mạng, to lớn, rộng rãi của địa phương.
Đền chùa Nhạn Tháp là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư, nơi gìn giữ bảo lưu nhiều cổ vật quý hiếm, một nguồn sử liệu quý giá góp phần tìm hiểu về phong tục tập quán của một vùng quê văn hiến.
Cụm di tích đền Tháp Thượng – chùa Nhạn Tháp đã được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1991.
Nguyễn Tô Ly