Chùa Mía - Tượng La Hán chùa Mía
Ngày đăng: 08/12/2020
Chùa Mía là nơi có cảnh quan cát địa và có các công trình kiến trúc, điêu khắc có giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cao, nhất là gần ba trăm pho tượng với những nét tạc đắp tinh xảo, nghệ thuật…. Chính vì thế, từ lâu, chùa Mía là chốn Tùng Lâm chẳng những là nỗi khát khao được đến chiêm bái của đông đảo tín đồ Phật tử trong vùng, mà còn là địa chỉ tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Chùa Mía, tên tự là Sùng Nghiêm, là địa danh văn hóa có tiếng ở mảnh đất cổ Đường Lâm – Sơn Tây. Lịch sử xây dựng chùa Mía gắn liền với huyền thoại về bà Chúa Mía mà nhiều người dân nơi đây vẫn truyền tụng. Chùa Mía là nơi lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Là một ngôi chùa cổ, chùa Mía có giá trị rất lớn về mặt lịch sử và kiến trúc.
Xét về vị trí mặt bằng kiến trúc, chùa Mía được xây dựng trên quả đồi rộng chừng 1ha, hướng Nam, nhìn xuống chợ Mía ở ngay trước chùa nên gọi là chợ Chùa hay chợ Tam Bảo. Về mặt quy hoạch, chùa Mía nằm trong một quần thể kiến trúc tôn giáo – đình – đền- chùa- chợ. Chùa có địa hình bán sơn địa, nằm giữa khu dân cư đông đúc, gần chợ, tiện đường giao thông qua lại. Chùa Mía hiện tại không có gì nổi bật về kiến trúc, song về điêu khắc thì có nhiều nét khá đặc sắc. Trên các thành phần kiến trúc gỗ như các câu đầu, đấu vỡ, ván long… đều có những hình chạm khắc trang trí hình hoa lá, rồng, phượng tinh xảo, hoa mĩ. Đặc biệt, các pho tượng tròn ở đây đều rất đẹp. và trong một chừng mực nhất định, có những pho tượng cũng chẳng thua kém gì tượng chùa Tây Phương.
Thập bát la hán:
Là Bộ tượng gồm có 18 vị mỗi bên hành lang sẽ bày chín vị với các hành trạng khác nhau. Như trên đã trình bày, theo quan niệm việc tu hành trong Phật giáo được phân ra thành các cấp bậc cao thấp. A La Hán là một “quả vị”. Trong Phật giáo Nguyên Thủy, với chủ tôn theo đuổi “tự mình giải thoát” đã chia sẻ vị ra làm bốn bậc: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Nam Hàm, A La Hán. Trong số đó thì cấp A La Hán là cấp vị cao nhất đạt được cảnh giới cao nhất trong việc tu hành theo Nguyên Thủy. Người nào tu hành đạt đến quả vị A La Hán gọi tắt là La Hán còn có nghĩa là bậc “ứng cúng”. Còn trong Đại Thừa, thì quả vị A La Hán vẫn là quả vị thấp hơn so với Bồ tát. Quan niệm của Đại Thừa là không chỉ tu cho mình mà còn tu cho người, tức giúp giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ trầm luân. La Hán trong Phật giáo Đại Thừa còn là những vị thường trụ thế gian để tạo phúc cho chúng sinh.
La Hán là những vị xuất gia đi tu, do vậy tượng La Hán thường mô tả những vị sư đầu trọc, áo nâu sồng. Các vị này được mô tả khá tự do với các tư thế khác nhau. Trong các ngôi chùa Việt 18 vị La Hán được mô tả khá sinh động với nhiều dáng vẻ khác nhau.
Ở dãy hành lang bên phải, 9 pho La Hán được tạo đắp diện tướng khác nhau, nhiều vẻ mặt những đều với trạng thái từ bi đôn hậu.
Dãy hành lang bên trái, 9 pho La Hán khác được tôn đắp, tạo thành hệ thống Thập Bát La hán.
A La Hán (Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A Na hàm, A La hán) có nghĩa là sát tặc, bất sinh, ứng cúng. 16,500 vị A la hán này là những vị chân nhân đáng nhận sự cúng dàng của trời, người. Theo ý chỉ Phật các vị này lưu lại thế gian để làm phúc điền cho chúng sinh, duy trì Phật pháp nên còn gọi là thập lục (bát) cúng thân. Trung Quốc có La Hán đường thờ các vị La Hán, sách Pháp trụ ký thì mười sáu vị La hán đều là đệ tử của Phật Thích Ca.
Về Thập Bát La Hán, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc thì trước thời Tống (trước năm 960), trong các ngôi chùa Phật giáo đại thừa ở Trung Quốc, người ta chỉ thờ 16 vị La hán. Sau thế kỉ X xuất hiện 2 vị là Nan Đề Mật Đa và Tân Đầu Lô Phả La Đọa Xà gọi tắt là Tân Đầu Lô. Cũng có sách cho rằng, trong thực tế chỉ có 16 vị La Hán thôi còn hai vị (thứ 9 và thứ 18) là 2 thị giả. Họ nhận sự phó chúc của Phật, không nhập Niết bàn, thường trụ trên thế gian, hoằng trì Phật pháp cho người đời và vì chúng sinh làm điều phúc.
Về thờ tự, các chùa miền Bắc thường thấy có 3 loại hình La Hán: Chùa Tây Phương theo lối cổ làm 16 vị La Hán tương đối giống tranh của Quán Hưu, hai là tượng La Hán chùa Bút Tháp gồm 16 vị thêm Hàng Long và Phục Hổ la hán, kiểu thứ ba như chùa Mía và các chùa như chùa Ninh Hiệp, chùa Nôm, chùa Chuông, chùa Đồng Kị. Còn chùa Trăm Gian có tượng La Hán làm theo kiểu phù điêu gỗ (chạm tranh tượng La Hán trên gỗ dày). Các loại hình tiêu biểu cho ba kiểu bày trí khác nhau, chùa Tây Phương bày ở chùa Thượng (xung quanh tường), chùa Bút Tháp bày hai bên hướng vào Tam Bảo Chính điện, chùa Mía và nhiều chùa khác lại bày trí theo hàng giáp tường ở tả hữu hành lang.