Chùa Bối Khê - ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh với kiến trúc "nội Công ngoại Quốc" thê kỉ 17
Ngày đăng: 29/12/2020
Chùa Bối Khê (tên chữ là Đại Bi tự) thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ thánh Nguyễn Nhũ (Nguyễn Bình An – thánh Bối) – một thiền sư đã tu hành và có công mở mang chùa.
Hình ảnh: Trung Hưng
Chùa được khởi dựng từ thời Lý, nhưng trải qua các triều đại Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn, các bộ phận kiến trúc và mỹ thuật luôn được bổ sung. Đến nay, Bối Khê là một ngôi chùa có quy mô lớn trong hệ thống chùa Việt ở Bắc Bộ.
Hình ảnh: Trung Hưng
Hình ảnh: Trung Hưng
Hình ảnh: Trung Hưng
Hình ảnh: Trung Hưng
Hình ảnh: Trung Hưng
Hiện nay, bố cục mặt bằng chùa Bối Khê được sắp xếp như sau:
Ảnh: Sách nghệ thuật tạo tác tượng phật trong các ngôi chùa Việt
TAM QUAN
Từ sau tảng đá đầu cầu đi lên là gác chuông kiêm tam quan chùa, tam quan gồm 3 gian nhưng lại có nền gần vuông, dựng theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái với 16 cột và các bộ vì nóc làm theo kiểu chồng rường. Các mái đều làm theo kiểu tầu đao lá mái nhìn nhẹ nhàng, thanh thoát và lợp 2 lớp ngói.
Sau tam quan là một khoảng sân rộng có vườn và hồ ở hai bên, vào sâu bên trong là khu chùa thờ Phật gồm tiền đường, nhà cầu và thượng điện tạo thành bình đồ kiểu chữ công, hai dãy hành lang nối liền với 2 gian chái của tòa tiền đường phía trước và hai gian chái của tòa đại bái thuộc cung Thánh phía sau tạo ra vòng chữ quốc. Phần cung Thánh ở phía sau gồm 3 tòa đại bái, ống muống và hậu cung (cũng tạo thành hình chữ công).
Tòa đại bái, ngoài chức năng như một tòa tiền tế, còn là nơi đặt một số tượng Tổ của chùa, đồng thời, là nơi tiến hành các nghi thức tế lễ đức thánh Bối vào dịp hội chính hay hội lễ hàng năm. Thực tế, tòa đại bái vừa có vai trò của một tòa hậu đường, vừa có vai trò của một tòa tiền tế của cung Thánh. Ngoài ra, chùa còn có khu nhà bia, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, … mới được tu sửa vào thế kỷ XX hoặc xây dựng mới trong thời gian gần đây.
Hình ảnh: Trung Hưng
Hình ảnh: Trung Hưng
TIỀN ĐƯỜNG
Tiền đường chùa Bối Khê là một kiến trúc khá lớn với 7 gian, dựng trên nền cao hơn sân 62cm, là sản phẩm của thời Nguyễn (đời Khải Định). Liên kết của bộ vì nóc theo kiểu chồng rường – giá chiêng, với các con rường có phần lưng cong vồng lên, nên còn gọi là rường con cung hay rường bụng lợn. Trang trí của tòa nhà này (chủ yếu ở hiên) là các đề tài tứ linh, tứ quý, phong cảnh và các nhân vật Phật giáo, Đạo giáo. Đáng chú ý nhất là trang trí trên các viên gạch bó nền, cho thấy rõ phong cách nghệ thuật Mạc, với rồng, phượng, lân và hoa lá… bố cục trong các khung hình chữ nhật và tròn. Có lẽ đây là những viên gạch cũ, được dùng lại trong những lần tu sửa.
Hình ảnh: Trung Hưng
Thượng điện nằm song song với tiền đường. Đây là một kiến trúc có nhiều kết cấu gốc từ thời Trần (có niên đại sớm nhất ở chùa Bối Khê hiên nay), bởi vậy, cũng như những kiến trúc khác cùng niên đại, thượng điện chùa Bối Khê có môt gian hai chái với bốn mái, nền nhà gần vuông và cao hơn tiền đường tới 70cm.
Hình ảnh: Trung Hưng
Hình ảnh: Trung Hưng
THƯỢNG ĐIỆN
Thượng điện có những đầu bẩy khá mập đỡ hoành mái hiên qua những tấm ván nong, cả hai mặt bẩy đều chạm đầu rồng ngửa mặt, há miệng ngoạm chiếc đấu vuông thót đáy dùng để đỡ hoành giọt gianh. Môi trên của rồng kéo dài thành mào, trên mắt có hình xoắn ốc đôi ngược chiều như chữ S (dấu hiệu của sấm chớp, mây mưa) Vì những con rồng này chưa hình thành rõ mũi, tai và sừng nên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nó như dấu gạch nối giữa rồng thời Lý với rồng thời Trần. Ở phía cuối chiếc bẩy góc trái còn chạm hình chim thần (Garuđa) loại hình phổ biến trên góc các nhang án đá thời Trần, là biểu hiện của văn hóa Đông Nam Á còn hiện hữu đậm nét trong tâm thức người việt đương thời.
Hình ảnh: Trung Hưng
CUNG THÁNH
Cung Thánh nằm sau khu chùa Phật, là nơi thờ thánh Nguyễn Bình An (thánh Bối). Về tổng thể, mặt nền tòa đại bái và ống muống có cùng độ cao với mặt bằng 2 dãy hành lang, tạo thành một không gian thống nhất giữa khu thờ Phật và khu thờ Thánh. Tương tự tiền đường, các bộ vì nóc của đại bái và ống muống được làm theo kiểu chồng rường – giá chiêng. Phần trang trí ở tòa nhà này ít, chỉ có ở một vài vị trí: hai đầu của các câu đầu chạm dải lá viền răng cưa, gân lá to và thưa; các đầu kẻ chạm hình mây cuộn, đường nét đơn giản. Tại gian giữa, trên đầu các cột quân có các đấu tròn chạm một lớp cánh sen mập, đường nét chạm khá mềm mại; đầu các xà nách chạm hình đầu rồng, phượng vũ, mây mác, … Toàn bộ mặt trước của đại bái để trống, không có cửa, ba mặt còn lại xây tường gạch trát vữa, ống muống chạy dọc nối đại bái với hậu cung.
HẬU CUNG
Hậu cung là tòa nhà một gian hai chái, thực chất là một phương đình, có nền cao hơn nền đại bái 24cm với 4 cột cái và 12 cột quân như tòa Thượng điện, nhưng làm theo kiểu 2 tầng 8 mái.
Hậu cung được bưng kín hoàn toàn bằng ván bưng và cửa ở mặt trước, ván đố lụa ở các mặt còn lại. Ván gỗ đều được sơn màu thẫm gần như đen (gợi cho chúng ta nghĩ tới màu của nước). Khoảng trống giữa các cột quân góc với “tường” được gài các ván gỗ lớn có chạm hình cây thông cành lá to khỏe, gần gốc cây phía dưới có chạm hình nghê ngồi, các ván khác chạm đề tài tứ linh, lưỡng long chầu nguyệt, đầu rồng, trúc hóa long,… Đặc biệt, phía dưới xà ngưỡng là các ván gỗ lắp kín, trên ván chạm một hồ nước với các lớp sóng lượn đều, trên sóng có hoa sen, nụ sen, lá sen úp và ngửa đan xen kẽ nhau, cùng với long mã đang chạy bên ngọn của sóng bạc đầu, đã tạo nên một bố cục cân xứng khá chuẩn mực. Có thể thấy những lá sen này tuy úp ngửa khác nhau với những đường gân chẳng chịt nhưng bao giờ cũng lộ rõ cuống như muốn biểu hiện Phật pháp vô biên, dù với nhiều pháp môn nhưng đều quy tụ về một gốc, đó là con đường giải thoát. Ta còn thấy những con sóng thường và sóng bạc đầu được chạm xen kẽ nhau cùng các cụm núi đá, có thể không chỉ đơn giản là gắn với nước và núi một cách tự nhiên mà còn nói lên một ý nghĩa triết học là trong nước có lửa và trục vũ trụ. Ở bên trái trạm một cụm trúc lớn, phía dưới là hình một con lân được nhìn từ phía lưng với mình thon, móng vuốt sắc nhọn đang trong tư thế vươn lên, phảng phất có bóng dáng của lân Trung Hoa, đã chứng tỏ ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa tới nghệ thuật ở thời kỳ này( thế kỉ XVII – XVIII).
DI VẬT
Chùa Bối Khê hiện lưu giữ được rất nhiều di vật quý như bia đá, chuông đồng, các đồ thờ, sắc phong và nhang án, trong đó tiêu biểu là nhang án hoa sen bằng đá.
Trích sách “Những ngôi chùa “Tiền phật hậu thánh” ở vùng châu thổ Bắc Bộ”